Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Bộ sưu tập đồng hổ cổ hiếm có tại HN

Tại Hà Nội, có một doanh nhân đang sở hữu một bộ sưu tập hiếm có, gồm nhiều đồng hồ cổ châu Âu. Trong đó, có những bộ được coi là kiệt tác "có một không hai" của thế giới, được định giá hàng tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán, chỉ để trưng bày phục vụ đông đảo người xem.
Theo chân một doanh nhân là bạn của chủ nhân bộ sưu tập, chúng tôi đến thăm phòng trưng bày đồng hồ tượng cổ này (tại một khu phố nhỏ của huyện Từ Liêm, Hà Nội). Bước vào căn phòng rộng chừng trên 50m2, tôi gần như choáng ngợp bởi thế giới của đồng hồ cổ với rất nhiều kiểu dáng, màu sắc, được sắp đặt trong các ô, ngăn rất tinh tế, chật kín đến tận trần nhà. Thỉnh thoảng, tiếng chuông đồng hồ lại ngân lên với nhiều âm thanh khác nhau trầm trầm, thánh thót, khẽ khàng hòa vào không gian, gợi nên một cảm giác cổ kính và huyền bí.

Đồng hồ với tượng cổ thiếu nữ đọc sách

Đa số đồng hồ được trưng bày tại đây là các loại từ đồng hồ tượng, đồng hồ treo tường…xuất xứ từ các nước châu Âu như: Pháp, Đức, Bỉ, …nhiều nhất là xuất xứ từ Pháp. Chất liệu chủ yếu là đồng, đồng mạ vàng và nhiều bộ có bệ bằng đá cẩm thạch. Mỗi bộ, mỗi chiếc đồng hồ có một dáng vẻ khác nhau được tạo tác bởi những bàn tay nghệ nhân tài hoa. Hầu hết là những vật gia bảo của các quý tộc Pháp xưa, được đặt cho các nghệ nhân làm riêng để trang trí trong gia đình.

Các tượng trang trí của những chiếc đồng hồ đều rất sống động, lột tả một cách chân thực và phong phú vẻ đẹp của người phụ nữ qua hình ảnh thần săn bắn, thần nông nghiệp, thần biển cả, hay những cô thiếu nữ, quý tộc, vợ chồng hành khất, đôi tình nhân… Những bức tượng về người đàn ông lại phô diễn dáng vẻ khỏe mạnh, xù xì, rắn rỏi, hay sự lãng tử của người nghệ sĩ, vẻ ưu tư của nhà hiền triết… Qua đồng hồ cổ, có thể nhìn thấy một xã hội châu Âu thu nhỏ với nhiều tầng lớp khác nhau cùng sự phát triển rực rỡ của một nền văn hóa đã lùi xa nhiều trăm năm - nền văn hóa Phục hưng.

Chủ nhân của bộ sưu tập này là doanh nhân Nguyễn Xuân Ngọc. Anh vốn là một doanh nhân trong ngành gốm sứ, nhưng lại say mê sưu tầm đồng hồ cổ châu Âu. Anh chia sẻ: Thú sưu tầm của tôi xuất phát từ đam mê nghệ thuật Phục hưng và những nghệ nhân Pháp. Tôi cũng tìm thấy một số nét tương đồng của nghệ thuật này với ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Cách đây mấy chục năm, tôi cũng từng có thời gian 3 năm theo đuổi nghề học sửa đồng hồ nên cũng có đam mê và am hiểu nhất định. Đam mê là vậy nhưng phải đến 5 năm trở lại đây, tôi mới có điều kiện sưu tầm đồng hồ cổ châu Âu.
 
 
 Doanh nhân Nguyễn Văn Ngọc bên bộ sưu tập của mình 

Trao đổi với chúng tôi, anh Ngọc cho biết: Giá một chiếc đồng hồ tượng cổ thấp nhất trong bộ sưu tập của anh cũng lên tới trên 1.000 Euro, còn chiếc cao nhất khoảng trên 15.000 Euro. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cái giá mà anh mua và vận chuyển từ Pháp về Việt Nam. Sau đó còn phải qua khâu phục chế và hoàn tất để chúng có thể chạy bình thường như hiện tại, nên có thể coi là những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Và trên thực tế, anh cũng không hề có ý định bán, mà chỉ để trưng bày cho đông đảo mọi người cùng đến chiêm ngưỡng.

Tại phòng trưng bày, còn có một chuyên gia chuyên chăm sóc đồng hồ. Đó là anh Nguyễn Đình Hiếu. Anh như một bác sĩ của những chiếc đồng hồ. Hàng ngày lau chùi, kiểm tra thực trạng “sức khỏe” đồng hồ để đảm bảo tình trạng hoạt động tốt nhất. Anh làm một việc này say sưa đến nỗi được mệnh danh là người “ ăn, ngủ cùng đồng hồ”. Anh Hiếu cho biết, đa số đồng hồ tượng cổ ở đây được làm bằng đồng dát vàng, có những chiếc dát vàng rất dày. Tuy nhiên, để định về giá trị của chúng không phải tính bằng giá trị và độ dày của vàng, mà phải tính bằng tuổi đời của đồng hồ và do nghệ nhân nào làm.

Doanh nhân Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Hiện nay, nền kinh tế châu Âu đang suy thoái. Nhiều người là hậu duệ của các dòng dõi quý tộc Pháp xưa đã đem những đồ có giá trị ra bán đấu giá tại các hội chợ. Đây là cơ hội lớn để sở hữu những vật gia bảo quý tộc này. Vì vậy, có thể anh sẽ cố gắng sưu tập thêm để bổ sung các mẫu đồng hồ tượng cổ cho phòng trưng bày./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét